Sắt cho trẻ sơ sinh: Khi nào nên bổ sung?

124 lượt xem

Việc đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong những năm tháng đầu đời là rất quan trọng để đảm bảo trẻ phát triển toàn diện. Tuy nhiên, đối với khoáng chất sắt, không phải lúc nào trẻ sơ sinh cũng cần phải bổ sung thêm. Theo dõi ngay bài viết sau để biết cách bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh hợp lý và an toàn.

1. Vai trò của khoáng chất sắt đối với trẻ sơ sinh

Sắt là khoáng chất thiết yếu có vai trò quan trọng ở cả trẻ em và người lớn. Sắt là thành phần cấu tạo nên Hemoglobin của hồng cầu, góp phần đưa oxy đi khắp cơ thể. Không chỉ vậy, Sắt còn tham gia cấu tạo nên một số Protein và Enzyme quan trọng của quá trình trao đổi chất. Do đó, bổ sung đủ sắt giúp hạn chế thiếu máu và đảm bảo trao đổi chất bình thường.

Đối với trẻ sơ sinh, nhu cầu sắt sinh lý cao để hỗ trợ các quá trình tạo máu, phát triển cơ bắp, thần kinh và não bộ,… Sắt cũng cần thiết cho các phản ứng miễn dịch và đề kháng khác. Nhiều nghiên cứu chỉ ra nhu cầu sắt theo khối lượng cơ thể ở trẻ sơ sinh cao gấp 9 lần so với người trưởng thành. Do vậy, đảm bảo trẻ sơ sinh được cung cấp đủ sắt là điều kiện tiên quyết để trẻ phát triển một cách lành mạnh và tối ưu.

Trẻ nhỏ có nhu cầu sắt cao gấp 9 lần so với người trưởng thành
Trẻ nhỏ có nhu cầu sắt cao gấp 9 lần so với người trưởng thành

2. Khi nào trẻ sơ sinh cần bổ sung sắt?

Trong thai kỳ, trẻ sơ sinh đã tích lũy một lượng sắt nhất định từ mẹ. Lượng sắt này đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của trẻ trong vòng 4 – 5 tháng đầu sau sinh. Bên cạnh đó, sữa mẹ cũng là một nguồn bổ sung sắt dồi dào và dễ hấp thu. Do đó, trong giai đoạn này trẻ thường không cần phải bổ sung thêm sắt.

Tuy nhiên, hầu hết trẻ sơ sinh đều có nguy cơ thiếu sắt, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời. Những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng thiếu sắt ở trẻ sơ sinh:

  • Trẻ sinh non, nhẹ cân
  • Trẻ có mẹ bị thiếu sắt trong thai kỳ
  • Trẻ có mẹ bị tiểu đường thai kỳ kiểm soát kém
  • Trẻ có hệ tiêu hóa hấp thu kém
  • Trẻ bẩm sinh bị thiếu Transferrin – enzym vận chuyển sắt trong cơ thể
  • Trẻ không được bú mẹ, uống sữa bò/dê khi chưa được 1 tuổi hoặc uống sữa công thức không cung cấp đủ lượng sắt cần thiết.
  • Nguyên nhân khác: Trẻ bị viêm ruột, tổn thương tá tràng,…

Biểu hiện của thiếu sắt ở trẻ sơ sinh rất đa dạng. Trẻ có thể không có triệu chứng hoặc xuất hiện các dấu hiệu như da nhợt, chậm lớn, mệt mỏi, hay quấy khóc, dễ ốm vặt, nhiễm trùng hô hấp,… Bởi vậy, khi thấy con mình có những dấu hiệu kể trên hay gặp một trong những nguyên nhân gây thiếu sắt, cha mẹ hãy đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị hợp lý.

Hầu hết trẻ sơ sinh đều có nguy cơ thiếu sắt
Hầu hết trẻ sơ sinh đều có nguy cơ thiếu sắt

3. Hướng dẫn cách bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh an toàn, hiệu quả

Việc đảm bảo trẻ sơ sinh được bổ sung đủ sắt là rất quan trọng. Tuy nhiên, thiếu sắt hay thừa sắt cũng đều gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý bổ sung sắt hợp lý, đúng thời điểm, đủ thời gian và liều lượng cho trẻ.

3.1. Trẻ sơ sinh khoẻ mạnh dưới 6 tháng tuổi

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, nhu cầu sắt của trẻ sơ sinh đủ tháng khi mới sinh khá thấp, chỉ là 0,27mg/kg/ngày. Sau đây là hướng dẫn cách bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh khỏe mạnh dưới 6 tháng tuổi:

Trẻ được bú mẹ một phần hoặc hoàn toàn

Trẻ sơ sinh khỏe mạnh được bú mẹ hầu như không cần bổ sung sắt trong giai đoạn 4 – 5 tháng đầu. Sau giai đoạn này, trẻ vẫn chưa ăn được thức ăn như bình thường. Trong khi đó, lượng sắt trong sữa mẹ ngày càng giảm. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ dùng thêm các sản phẩm bổ sung sắt dạng lỏng trên thị trường với liều 1mg/kg/ngày.

Trẻ uống sữa công thức

Trong sữa công thức, lượng sắt đã được tính toán để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của trẻ. Tuy nhiên, lượng sắt này khó hấp thu hơn so với sữa mẹ. Vì vậy, đối với trẻ uống sữa công thức, cha mẹ cần theo dõi tình trạng của trẻ. Đồng thời, cần cho trẻ đi khám dinh dưỡng thường xuyên để theo dõi sự hấp thu sắt từ sữa và điều chỉnh chế độ bổ sung sắt sao cho thích hợp.

Ngoài ra, việc bổ sung sắt để dự phòng thiếu sắt từ tháng thứ 4 trở đi cần được kéo dài ít nhất 2 – 3 tháng, cho đến khi trẻ có thể ăn dặm với thực đơn giàu sắt ít nhất 2 bữa/ngày.

3.2. Trẻ sinh non, nhẹ cân

Đối với trẻ sinh non và nhẹ cân, việc bổ sung sắt cần được thực hiện sớm ngay từ những tuần tuổi đầu. Cụ thể:

Trẻ sinh non, thiếu tháng

Cha mẹ nên cho trẻ sinh non bổ sung sắt từ sữa công thức hoặc các sản phẩm bổ sung ngay từ khi trẻ được 2 tuần tuổi. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, nhu cầu sắt của trẻ sinh non như sau:

  • Trẻ bú mẹ hoàn toàn: 2mg/kg/ngày.
  • Trẻ dùng sữa công thức giàu sắt: 1mg/kg/ngày.

Lượng sắt tối đa khuyến cáo cho trẻ là 15mg/ngày. Cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ dùng các thuốc bổ sắt dạng lỏng, siro. Tuy nhiên, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ dùng để đảm bảo an toàn và phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.

Bên cạnh đó, việc bổ sung này cần được duy trì tới khi trẻ được 12 tháng hoặc khi trẻ có thể ăn dặm tối thiểu 2 bữa/ngày. Cha mẹ nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng để kiểm tra tình trạng sức khỏe và mức độ thiếu sắt. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết hơn về thời gian bổ sung sắt dài hay ngắn của trẻ.

Trẻ sơ sinh nhẹ cân

Trẻ có cân nặng lúc mới sinh nhỏ hơn 2,5kg được coi là trẻ sơ sinh nhẹ cân. Nhóm trẻ này thường không nhận được đủ các dưỡng chất cần thiết trong thai kỳ, bao gồm sắt.

Bởi vậy, trẻ nhẹ cân cần bổ sung sắt ngay từ tháng đầu với liều cao hơn bình thường. Hiệp hội Nhi khoa Canada khuyến cáo nhu cầu sắt cho trẻ sơ sinh nhẹ cân như sau:

  • Trẻ sơ sinh nhẹ cân có cân nặng trên 1kg: 2 – 3mg/kg/ngày, bổ sung qua sữa công thức, sản phẩm bổ sung sắt đường uống.
  • Trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1kg: 3 – 4mg/kg/ngày, bổ sung bắt buộc theo đường uống.

Với trẻ nhẹ cân, cha mẹ cần cho bé đi khám dinh dưỡng thường xuyên. Điều này sẽ đảm bảo con đang được cung cấp đúng và đủ các dưỡng chất cho quá trình phát triển. Người mẹ cũng cần tăng cường thực phẩm giàu sắt trong chế độ ăn để cải thiện lượng sắt cung cấp cho trẻ trong quá trình cho bú.

Ngoài ra, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có nhu cầu sắt khoảng 11mg/ngày. Trong giai đoạn này, trẻ đã được cung cấp sắt từ thực phẩm. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể cho trẻ sử dụng thêm sắt đường uống để phòng tránh con thiếu chất.

Cha mẹ cần chú ý bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh đúng liều, đúng thời điểm và đủ thời gian
Cha mẹ cần chú ý bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh đúng liều, đúng thời điểm và đủ thời gian

4. Nguồn bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh

Ngoài sữa mẹ, có 3 nguồn sắt an toàn cho trẻ sơ sinh sau đây cha mẹ có thể bổ sung cho con:

  • Sữa công thức: Sử dụng ngay từ những tháng đầu sau sinh, nếu mẹ không đủ sữa.
  • Thực phẩm tự nhiên (thịt đỏ, thịt gà, cá, rau bina, các loại đậu, trứng,…): sử dụng khi trẻ bắt đầu ăn dặm.
  • Các sản phẩm bổ sung sắt dạng lỏng, siro: lựa chọn sản phẩm an toàn, dễ sử dụng cho con trẻ.
3 nguồn sắt an toàn cho trẻ sơ sinh
3 nguồn sắt an toàn cho trẻ sơ sinh

Khi chọn lựa các sản phẩm bổ sung, cha mẹ cũng cần lưu ý lựa chọn:

  • Sản phẩm có khuyến cáo dùng được cho trẻ sơ sinh
  • Dạng sắt phù hợp: Sắt hữu cơ, sắt amin dễ hấp thu, ít tác dụng phụ
  • Dạng nhỏ giọt: có thể dễ dàng chia liều chính xác
  • Không chứa đường Lactose
  • Sản phẩm dễ uống, không có mùi tanh
  • Đến từ thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

5. Lưu ý khi bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh

Sắt hay bất kỳ chất dinh dưỡng nào khác nếu không được bổ sung đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý:

  • Tính toán khẩu phần ăn (sữa công thức, thực phẩm, thuốc bổ sắt,..) sao cho lượng sắt nằm trong khoảng khuyến cáo theo độ tuổi của trẻ.
  • Hạn chế cho trẻ sơ sinh uống sữa bò do canxi và đạm trong sữa bò có thể làm giảm hấp thu sắt.
  • Tuân thủ liều dùng và chỉ định của bác sĩ khi sử dụng các sản phẩm bổ sung sắt. Cho trẻ uống sắt trước khi ăn 1 – 2 giờ để trẻ hấp thu tốt nhất.
  • Tránh cho trẻ uống sắt cùng lúc với kẽm và canxi do có thể gây giảm hấp thu sắt.
  • Trẻ bị kích ứng dạ dày do uống sắt có thể cho trẻ dùng sau bữa ăn hoặc uống với liều thấp, sau đó tăng dần.
  • Uống sắt có thể khiến trẻ đi ngoài phân đen. Tuy nhiên tác dụng phụ này không nghiêm trọng. Trẻ bị ngộ độc sắt thường nôn mửa, tiêu chảy, có máu trong phân, da nhợt nhạt, co giật, thở gấp, môi tái xanh,… Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu này, cha mẹ cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu.
Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ sơ sinh uống sắt đúng cách
Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ sơ sinh uống sắt đúng cách

Trên đây là những thông tin cha mẹ cần biết để bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh đúng cách. Hy vọng bài viết này sẽ giúp cha mẹ có thêm kiến thức hữu ích để giúp con phát triển một cách tốt nhất. Nếu cha mẹ có vấn đề còn băn khoăn, hãy để lại lời nhắn để được đội ngũ chuyên gia của chúng tôi giải đáp nhé!

Đánh giá
Chia sẻ ngay, nếu bạn thấy hữu ích: